Chỉ báo hiển thị trên biểu đồ dưới nhiều hình thức. Có những lúc bạn sẽ thấy những chỉ báo được chèn trực tiếp vào biểu đồ giá, bám sát hành động giá như Ichimoku, PSAR, … Hay cũng có chỉ báo tách riêng phần biểu đồ bên dưới như MACD, RSI, ADX, OBV….
Dựa vào các chỉ báo, trader có thể dễ dàng xác định hướng đi của hành động giá trên biểu đồ. Qua đó, có thể tìm kiếm được những điểm vào lệnh, thoát lệnh tiềm năng.
Phân loại Indicator
Hiện tại lên tới hàng trăm các loại chỉ báo khác nhau. Mỗi loại sẽ cung cấp tín hiệu khác nhau và có cách sử dụng riêng. Tuy nhiên, dựa trên tín hiệu cung cấp, chúng ta có thể chia thành 2 loại cơ bản đó là chỉ leading indicator (báo nhanh) và lagging indicator (chỉ báo chậm).
Leading Indicator (chỉ báo nhanh)
Chỉ báo nhanh – leading indicator là loại chỉ báo sẽ cung cấp tín hiệu trước khi hành động giá xảy ra. Đơn giản chỉ dựa trên dữ liệu lịch sử giá, chỉ báo có thể dự báo hướng đi của hành động giá sắp tới.
Nhóm chỉ báo nhanh nổi tiếng không thể không nhắc tới như: CCI, RSI hay Stochastic… Đặc điểm của nhóm chỉ báo này thường di chuyển trong một vùng cố định (ví dụ RSI từ 0 đến 100, CCI từ -100 đến +100). Mục đích quan trọng nhất của nhóm chỉ báo này là xác định các vùng quá mua, quá bán để tìm kiếm các cơ hội giao dịch đảo chiều giá.
Ví dụ: Khi chỉ báo RSI >80, thì giá của cặp tiền đang ở trong vùng quá mua. Theo luật cung cầu tự nhiên thì giá sẽ có chiều hướng quay đầu giảm, sau khi sức mua đã bị cạn kiệt. Tại đây cũng chính là cơ hội giúp trader thực hiện các lệnh bán tiềm năng. Ngoài ra, các tín hiệu hội tụ/phân kỳ với đường giá cũng là cơ sở quan trọng để trader phân tích và thực hiện các giao dịch đảo chiều chính xác.
Lagging Indicator (chỉ báo chậm)
Chỉ báo chậm – Lagging Indicator, là nhóm chỉ báo chậm hơn, thường chạy sau hành động giá. Tín hiệu của nhóm chỉ báo này thường có độ trễ và không nhạy với hành động giá bằng nhóm chỉ báo nhanh.
Ví dụ như, khi giá đã tăng/giảm một nửa đoạn được rồi thì chỉ báo mới cung cấp tín hiệu vào lệnh. Tuy nhiên, lagging indicator cũng có điểm vượt trội hơn so với với nhóm chỉ báo nhanh đó là tín hiệu và xu hướng có phần bớt nhiễu hơn so với nhóm chỉ báo nhanh. Đồng thời, nhóm chỉ báo chậm này cũng đặc biệt phù hợp với những trader có xu hướng giữ lệnh lâu.
Một số chỉ báo chậm điển hình như MA, Momentum, Bollinger Band….
Các chỉ báo quan trọng trong forex
Dựa trên đặc điểm, công dụng chia thành 3 nhóm chính đó là nhóm chỉ báo xu hướng, chỉ báo dao động và chỉ báo khối lượng. Chi tiết về từng nhóm này như sau:
-
Nhóm chỉ báo xu hướng
Đúng như cái tên, nhóm chỉ báo xu hướng giúp trader xác định xu hướng tăng, giảm hoặc sideways của hành động giá. Những chỉ báo này khá mượt, không bị giới hạn bởi đỉnh/đáy, giúp trader xác định xu hướng dễ dàng.
Một số chỉ báo điển hình xu hướng như MA, Ichimoku, PSAR, Bollinger Band, ADX….
- MA là chỉ báo chậm sử dụng giá đóng cửa của những chu kỳ trước đó để tính toán. Điểm đặc biệt của MA đó là làm mượt đường giá. Vì vậy chỉ báo này thường được sử dụng để xác định xu hướng chính đang diễn ra trên thị trường. Có 3 loại MA chính đó là SMA, EMA, WMA. Trong đó SMA, EMA là những đường trung động phổ biến hơn cả, thường được sử dụng nhiều nhất trong việc xác định xu hướng.
- PSAR cũng là một chỉ báo giúp trader xác định xu hướng dễ dàng. Khác với MA, chỉ báo này được tính toán dựa trên những mức giá cực trị và hệ số gia tốc, nên công thức có phần phức tạp. Tuy nhiên, cách sử dụng lại vô cùng đơn giản. Nếu những chấm tròn PSAR nằm dưới và cách xa đường giá, thì xu hướng đang diễn ra trên thị trường là uptrend và ngược lại. Ngoài ra, dựa trên sự di chuyển của các chấm tròn, chúng ta còn có thể tìm được những cơ hội vào lệnh vô cùng chính xác.
- Bollinger Band là một chỉ báo khá trực quan để trader xác định xu hướng. Nếu dải băng dưới cách xa dải băng trên và hướng lên thì đà tăng đang khá mạnh. Ngược lại, nếu hai dải băng cách xa nhau và cùng hướng xuống thì xu hướng chính đang là downtrend. Bên cạnh đó, dựa trên tín hiệu bóp nghẹt của 2 dải băng, trader còn có thể tìm kiếm điểm thoát lệnh tiềm năng.
- Ichimoku: Được coi là hệ thống chỉ báo toàn diện nhất, được xây dựng để giúp trader xác định xu hướng, theo dõi biến động giá và được sử dụng như hỗ trợ kháng cự. Dựa vào tín hiệu mà công cụ này cung cấp, trader có thể dễ dàng tìm kiếm giao dịch thuận xu hướng và đảo chiều tiềm năng.
- Chỉ báo ADX: Được hình thành dựa trên sự biến động trung bình của giá trong một chu kỳ nhất định. Công cụ này sẽ giao động trong vùng từ 0 – 100 và giúp nhà đầu tư xác định xu hướng, tìm điểm vào lệnh, thoát lệnh tiềm năng hơn.
-
Nhóm chỉ báo dao động
Những chỉ báo này được trader sử dụng để phân tích biến động của tài sản. Thường, nhóm chỉ báo dao động chỉ theo dõi hiệu quả trong một khoảng thời gian ngắn. Dựa vào các tín hiệu đảo chiều và tiếp diễn, trader sẽ tìm kiếm được nhiều cơ hội để giao dịch với các đợt biến động giá cao. Các chỉ báo này thường được sử dụng cho phân tích ngắn hạn, giúp nhà giao dịch tìm kiếm lợi nhuận từ các đợt biến động giá cao.
Một số chỉ báo đo lường động lượng có thể kể đến là: chỉ báo ATR, CCI, MACD, RSI, Momentum, Stochastic….
- RSI: Đây là một trong top những công cụ phổ biến mà gần như trader nào cũng có thể biết. Chỉ báo này dao động trong khung từ 0 -100. Dựa vào những vùng quá mua ( RSI> 80) và vùng quá bán (RSI<20), kết hợp với tín hiệu giao cắt và phân kỳ trader có thể thực hiện các giao dịch thuận theo xu hướng và đảo chiều một cách hiệu quả.
- MACD, cũng nằm trong top chỉ báo dao động phổ biến trong cộng đồng trader. MACD cũng có thể xác định xu hướng nhưng sức mạnh của chỉ báo này là cung cấp những biến động trong ngắn hạn, nhạy với hành động giá. Vì vậy, các đường dao động giao cắt và phân kỳ của MACD có thể cung cấp tín hiệu chính xác để trader thực hiện giao dịch.
- Stochastic (Stoch): Chỉ báo gồm có 2 đường dao động đó là %D, %K được tính toán trên mức giá đóng cửa, giá cao nhất, giá thấp nhất của những phiên giao dịch trước. Tương tự như RSI, biên độ dao động của Stochastic cũng biến động trong khoảng 0-100 và cũng có các vùng quá mua, quá bán. Vì vậy, về hình thức và công thức tính toán khác nhau nhưng cách sử dụng thì hoàn toàn giống nhau.
- Chỉ báo CCI – chỉ số kênh hàng hóa là chỉ báo gồm 1 đường trung bình, dịch chuyển trong bộ dao động từ -100 đến +100. Tương tự như những chỉ báo dao động khác, CCI cũng giúp trader tìm kiếm các điểm vào lệnh và thoát lệnh vô cùng hợp lý. Mặc dù ban đầu CCI được tạo ra để sử dụng cho thị trường hàng hóa. Tuy nhiên, hiện nay CCI đã trở thành một chỉ báo dao động khá quan trọng trên thị trường Forex.
-
Nhóm chỉ báo khối lượng
Bên cạnh nhóm chỉ báo xu hướng và chỉ báo động lượng, thì còn có nhóm chỉ báo khối lượng. Những chỉ báo này cũng được sử dụng để đo lường biến động giá của các cặp tiền.
Tuy nhiên, điểm khác biệt đó là nhóm chỉ báo này bổ sung thêm yếu tố khối lượng giao dịch trong mỗi phiên, thay vì chỉ sử dụng lịch sử giá. Những chỉ báo này cũng cung cấp tín hiệu để thực hiện các giao dịch với xác suất thành công cao.
Một số chỉ báo đo lường biến động có thể kể đến là: Money Flow Index(MFI), On Balance Volume (OBV), Accumulation Distribution (A/D).
- Chỉ báo OBV là chỉ báo được tính toán từ khối lượng giao dịch. Chỉ báo này có thể giúp trader đo lường được sức mua, bán trên thị trường. Từ đó, có thể biết được phe nào chiếm ưu thế để tìm kiếm các lệnh thuận xu hướng tiềm năng.
- Chỉ báo MFI là chỉ báo dòng tiền, được dùng để đo lường và ước tính dòng tiền ra vào trong một khoảng thời gian nhất định. MFI được tính toán dựa trên các mức giá cao nhất, thấp nhất, giá đóng cửa và khối lượng trong n phiên giao dịch. Chỉ báo MFI cũng dao động trong khung chuẩn hóa 0 -100 và cũng tạo thành các vùng quá mua quá bán, phân kỳ tương tự như chỉ báo OBV.
- Accumulation Distribution (A/D) – chỉ báo phân phối và tích lũy. AD được tính toán dựa trên sự thay đổi về giá và khối lượng. Dựa vào công cụ này trader có thể xác định được thị trường đang ở trong giai đoạn tích lũy hay phân phối. Từ đó, có thể thực hiện các giao dịch tiềm năng.
-
Một số lưu ý khi giao dịch với chỉ báo kỹ thuật
Indicator sẽ giúp nhà đầu tư nâng cao xác suất thành công khi vào lệnh. Nhưng công cụ này cũng không phải là “chén thánh”. Dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng indicator để việc giao dịch đạt hiệu quả cao.
- Khi sử dụng bất kỳ công cụ nào, việc quan trọng nhất là xác định xu hướng. Nếu trader không thể xác định xu hướng mà chỉ dựa vào các tín hiệu Buy/Sell từ các indicator, thì rủi ro thua lỗ rất cao.
- Trong kho tàng chỉ báo có tới hàng trăm loại, trader cần hiểu rõ bản chất của từng chỉ báo trước khi chọn lựa để sử dụng. Để hiểu rõ bản chất của mỗi loại chỉ báo, trader cần nhìn kỹ vào công thức cấu tạo nên indicator, ví dụ như chỉ báo được tính bằng mức giá đóng cửa của 14 phiên giao dịch trước đó, mức giá cao nhất và thấp nhất trong 10 phiên giao dịch trước đó…. Việc này giúp trader chọn lọc được các tín hiệu và sử dụng chỉ báo một cách tối ưu, hiệu quả hơn.
- Xung đột tín hiệu giữa các chỉ báo cũng là một vấn đề trader cần hiểu rõ. Mỗi indicator được cấu tạo từ các công thức khác nhau. Vì vậy, tùy thuộc vào khung thời gian và phương pháp giao dịch mà trader có thể chọn một nhóm những indicator phù hợp.
- Bài tiếp theo : Tổng hợp các mô hình giá phổ biến trong giao dịch forex